Quan điểm nhìn nhận Vấn_đề_chính_thống_của_nhà_Triệu

Vấn đề xưng Đế ở phương Nam

Những người công nhận nhà Triệu cho rằng: Triệu Đà đã xưng Đế ở phương Nam, đặt tên nước là Nam Việt để chống lại nhà Hán ở phương Bắc. Lãnh thổ xưng đế của ông ta bao gồm cả Việt Nam thời kỳ đó, nên có thể coi ông ta là vua của Việt Nam.

Tuy nhiên, những người phản bác nhà Triệu lập luận rằng: Trong lịch sử Trung Quốc không thiếu những giai đoạn hỗn loạn, khi triều đình trung ương suy yếu thì các tướng lĩnh đua nhau tách ra cát cứ, lập nước riêng để tranh giành địa vị bá chủ. Nếu chỉ vì lý do "xưng Đế ở phương Nam" mà công nhận Triệu Đà thì Việt Nam sẽ còn phải công nhận rất nhiều vua cát cứ Trung Hoa khác. Có thể dẫn ra 2 nước cát cứ có nguồn gốc, lãnh thổ giống hệt như nhà Triệu:

  • Nước Đông Ngô của Tôn Quyền (thời Tam Quốc): Nước này có hoàn cảnh rất giống nước Nam Việt của Triệu Đà, quân chủ khai quốc đều từng là quan lại của triều đình Trung Quốc, khi triều đình trung ương sụp đổ thì mới tách ra cát cứ, chống đối lại triều đình mới ở phương Bắc. Lãnh thổ của Đông Ngô cũng khá giống nước Nam Việt, đều thu về góc phía Nam và bao gồm cả miền Bắc Việt Nam hiện nay. Do vậy, nếu công nhận Triệu Đà là vua của Việt Nam thì cũng phải công nhận Tôn Quyền là vua chính thống của Việt Nam, đồng thời khởi nghĩa của Bà Triệu (năm 248) cũng sẽ không còn là "kháng chiến chống giặc phương Bắc" nữa mà sẽ là một cuộc "nổi loạn chống lại vua chính thống của nước Việt".
  • Ngoài ra, nước Nam Hán của Lưu Nghiễm (thời Ngũ đại Thập quốc): Nước này cũng có xuất thân giống Triệu Đà. Lưu Nghiễm là quan của nhà Đường, sau khi nhà Đường diệt vong thì tách ra cát cứ vào năm 917. Lãnh thổ Nam Hán có 1 giai đoạn (930-931) cũng giống hệt nước Nam Việt của Triệu Đà: gồm 2 tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây và miền Bắc Việt Nam ngày nay, kinh đô cũng đóng ở Phiên Ngung. Thậm chí khi mới lập quốc, Lưu Nghiễm còn đặt tên nước là Đại Việt (大越), về sau mới đổi lại thành Nam Hán. Như vậy, nước Nam Hán có nguồn gốc, lãnh thổ hoàn toàn giống như Triệu Đà khi trước (đến năm 931 thì Nam Hán mới bị mất kiểm soát miền bắc Việt Nam và bị Ngô Quyền đánh bại trong trận Bạch Đằng (938)). Vì lẽ đó, nếu công nhận Triệu Đà là vua Việt Nam thì sử sách Việt Nam cũng phải công nhận nước Nam Hán là triều đại của Việt Nam, Lưu Nghiễm là vua chính thống của Việt Nam, Ngô Quyền sẽ chẳng phải là "vị tướng có công chống giặc phương Bắc" mà sẽ phải coi ông là một "viên tướng khởi binh chống lại triều đình", đồng thời trận Bạch Đằng (938) sẽ chỉ được coi là 1 cuộc "nội chiến" mà thôi.

Sử quan Ngô Thì Sĩ nhà Hậu Lê trong Việt sử tiêu án cũng dựa vào lý do này để khẳng định Triệu Đà là kẻ xâm chiếm chứ không phải vua chính thống của Việt Nam. Ông viết: "...Nếu coi là đã làm vua nước Việt mà đến ở cai trị nước ta, thì sau đó có Lâm Sĩ Hoằng khởi binh ở đất Bàn Dương, Lưu Nghiễm khởi binh ở Quảng Châu, đều xưng là Nam Việt Vương, cũng cho đó là Quốc kỷ (vua chính thống) được ư?..."

Ngoài ra, những người công nhận nhà Triệu đã hiểu lầm ý nghĩa tên nước "Nam Việt" của Triệu Đà, họ cho rằng Triệu Đà đặt tên nước như vậy chứng tỏ ông ta đã tự coi mình là người Việt và muốn đưa dân tộc Việt ngang hàng với dân tộc Hán. Thực ra thì không phải như vậy: các triều đại tại Trung Quốc thường lấy quốc hiệu theo nơi phát tích ban đầu của vua khai quốc (ví dụ: Nhà Tần có tổ tiên là Phi Tử được phong cho ấp Tần, Nhà Hán khởi đầu với Lưu Bang vốn được phong làm vương ở đất Hán Trung, Nhà Đường khởi đầu với Lý Uyên vốn được phong làm quốc công ở đất Đường...). Vào thời kỳ Triệu Đà, các vùng đất ở phía nam sông Trường Giang đều được người Trung Hoa gọi là "đất Việt" (Việt ở đây là "vượt quá", chỉ miền đất mà văn hóa Trung Hoa chưa vươn tới). Do Triệu Đà khởi binh cát cứ ở đó nên ông ta cứ theo truyền thống của Trung Hoa mà đặt tên nước là "Nam Việt" mà thôi, chứ hoàn toàn không phải vì quan tâm đến các bộ tộc người Việt mà ông ta cai trị.

Vấn đề nguồn gốc dân tộc

Triệu Đà là người Trung Hoa (đến từ phía Bắc sông Hoàng Hà, ngày nay là miền Bắc Trung Quốc), vốn là quan nhà Tần, quê ở Chân Định (tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc ngày nay), mộ cha mẹ vẫn táng ở đấy.

Những người công nhận nhà Triệu cho rằng: Nếu đặt nặng vấn đề sắc tộc của Triệu Đà, thì nguồn gốc của An Dương Vương, gần đây có một số cuốn sách (Lịch sử Việt Nam tập 1, Theo dòng lịch sử - nhiều tác giả) đã nêu ra giả thuyết rằng Thục Phán có cha là hoàng tử của nước ThụcTứ Xuyên (Trung Quốc). Nếu giả thuyết này là đúng, An Dương Vương có là một triều đại Việt Nam không? Ngoài ra, có những trường hợp khác mà sử đã ghi, như Lý Nam Đế (Lý Bí) có tổ 7 đời là người phương Bắc (Trung Hoa) di cư vào Việt Nam, hoặc tổ tiên 5 đời của nhà Trần cũng vốn xuất thân từ đất Mân (Phúc Kiến - Trung Quốc); tổ tiên của Hồ Quý LyHồ Hưng Dật sang Việt Nam thời Dương Tam Kha (sử chép là thời Hậu Hán 947 - 950, tương đương Dương Bình vương) được phong chức ở châu Hoan...

Một số nhà nghiên cứu cho rằng, trên thế giới, việc một người nước ngoài làm vua không phải là không có. Chẳng hạn nước Nga vẫn ghi nhận vợ của Pyotr Đại đếEkaterina I, dù không phải là người Nga nhưng được chồng cho nối ngôi. Theo tác giả Hà Văn Thùy[22], cuối thế kỷ 18, vua nước Xiêm là một người Trung Quốc tên Trịnh Quốc Anh[23] từng kéo quân sang đánh Hà Tiên. Ngoài ra, Triệu Đà có vợ Trình thị là người Đường Thâm, Giao Chỉ, nên các con cháu ông - các đời vua sau của nhà Triệu - đều có phần máu Việt.

Tuy nhiên, những người phản bác nhà Triệu lập luận rằng:

  • Thông tin cho rằng An Dương Vương có cha là dòng dõi người nước ThụcTứ Xuyên (Trung Quốc) chỉ là giả thuyết dựa trên truyền thuyết dân gian, nếu so với chính sử thì có nhiều mâu thuẫn. Nước Thục được chính sử ghi chép là bị tiêu diệt vào năm 316 TCN, tức khoảng 108 năm trước khi An Dương Vương lên ngôi (208 TCN), như vậy rất khó có chuyện An Dương Vương là "con của hoàng tử nước Thục". Chính sử cũng không ghi chép cụ thể về nguồn gốc của Thục Phán, chỉ ghi xuất thân là thủ lĩnh của người Âu Việt (người Tày, người Nùng và người Choang cổ) cư trú ở vùng Đông Bắc Việt Nam, tức là An Dương Vương vẫn là người Việt.
  • Lý Nam Đế, nhà Trần hay nhà Hồ tuy có tổ tiên là người phương Bắc, nhưng đã chuyển sang cư ngụ tại Việt Nam trong nhiều thế hệ (ít nhất cũng là 5 đời, khoảng 150 năm). Trong thời gian dài như vậy, việc chung sống, tiếp thu văn hóa và các quan hệ hôn nhân qua nhiều thế hệ với người Việt bản xứ đã khiến hậu duệ của các dòng họ này mất hẳn "bộ gen" và tập quán văn hóa của người Hán, các vị vua của những triều đại này đã hoàn toàn "Việt hóa", họ đều tự coi mình là người Việt và không còn ấn tượng gì về ngôn ngữ, phong tục tập quán của Trung Quốc. Trong khi đó, Triệu Đà sinh ra và lớn lên hoàn toàn ở phương Bắc, hoàn toàn tiếp thu văn hóa và ngôn ngữ Trung Hoa, ông ta chỉ cư trú ở Nam Việt trong giai đoạn cuối đời mà thôi (và ngay cả khi đó, ông ta cũng đóng đô ở Quảng Đông chứ chưa hề tới sống ở miền Bắc Việt Nam ngày nào).
  • Trường hợp nữ hoàng Ekaterina I của Nga cũng không thể so với Triệu Đà: vị nữ hoàng này chỉ là một người ngoại quốc đã "nhập gia" quê chồng, sau khi chồng mất thì bà mới lên ngôi theo di chiếu của chồng mình (để nhiếp chính do con bà vẫn còn nhỏ), và toàn bộ triều đình, quân đội, ngôn ngữ vẫn là bản địa Nga. Còn với Triệu Đà thì toàn bộ triều đình, quân đội, ngôn ngữ là dị biệt và phỏng theo nhà Tần của Trung Hoa. Đặt giả định nếu nhà Tần không mất thì Triệu Đà sẽ không tách ra cát cứ, và cũng sẽ chẳng có nước Nam Việt mà đó chỉ là một quận của Trung Hoa mà thôi. Vai trò của Triệu Đà khi ấy sẽ chẳng khác gì những viên quan Thái thú triều đình phía Bắc khác đã cai trị Việt Nam suốt thời Bắc thuộc.
  • Ngoài ra, theo khảo sát dân số thì cuối thời Nam Việt, cả nước này có 1,3 triệu dân, trong đó có khoảng 100 ngàn người Hoa di cư từ phía Bắc. Tuy chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ nhưng người Trung Hoa nắm giữ hầu hết chức vụ chủ chốt trong triều đình Nam Việt[24]. Về sau triều đình có tuyển thêm người bản xứ như tể tướng Lữ Gia, nhưng con số này vẫn rất ít, và cũng chỉ tuyển những người tinh thông chữ Hoa, biết nói tiếng Hoa (tức là đã "Hán hóa") mà thôi. Như vậy cho thấy nhà Triệu vẫn coi mình là triều đại của người Trung Hoa, không coi người Việt có tư cách ngang hàng với người Trung Hoa.

Vấn đề "xâm lược" hay "thống nhất"

Những người phản đối tính chính thống của nhà Triệu, trong đó có Ngô Thì Sĩ, lập luận rằng Triệu Đà khởi phát ở bên ngoài lãnh thổ nước Việt, chiếm nước Việt làm quận huyện. Nước Nam Việt của Triệu Đà không phải nước Việt với ba vùng Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam mà trong sử sách Việt Nam vẫn coi là lãnh thổ của mình. Do đó, nếu coi Triệu Đà là một vua Việt Nam thì giả thuyết này coi nước Việt Nam lúc ấy bao gồm cả các tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây, một phần nhỏ của tỉnh Hồ Nam, Vân Nam và Phúc Kiến của Trung Quốc bây giờ. Nếu không thì phải cho đây là một sự xâm lược.

Một số học giả lại không cho việc Triệu Đà tấn công vùng đất của Âu Lạc và nhập vào Nam Việt là xâm lược. Tác giả Hà Văn Thùy[22] lập luận rằng "sự liên kết trong mỗi quốc gia còn lỏng lẻo và biên giới từng quốc gia chưa ổn định, đang trong xu hướng sáp nhập tập trung thành những quốc gia đủ mạnh để tồn tại. Do đó, việc Tần Thủy Hoàng thôn tính các nước Sở, Ngô, Việt... để thành nước Tần không phải hành động xâm lược mà là công lớn thống nhất đất nước. Tương tự vậy, việc Triệu Đà chiếm Âu Lạc cũng không thể coi là xâm lược mà là hành động thống nhất những nhóm, những tiểu quốc người Việt lại thành một nước Việt lớn hơn, ngăn chặn hành động thôn tính của kẻ mạnh ở phương Bắc." Học giả này đánh giá cao vai trò của nhà Triệu trong việc "tạo nên và củng cố tinh thần quốc gia của người Việt".

Theo một nghiên cứu của tác giả E Lusuo người Đài Loan về quá trình nhà Tần bình định vùng Lĩnh Nam, vào thời nhà Tần, dân cư bên này hay bên kia biên giới Việt-Trung thời hiện tại là không thể phân biệt được[25], do dân khu vực Quảng Đông, Quảng Tây thời đó chưa bị Hán hóa như bây giờ. Một sự kiện lịch sử ủng hộ thuyết này đó là: cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng cũng nhận được sự ủng hộ và tham gia của cư dân tại các quận Nam Hải, Hợp Phố, mà nay thuộc địa phận Trung Quốc, đã chiếm được 65 thành trì (Theo sách Hậu Hán thư, chương 68: "Lịch sử về tộc Man Di phía Nam và Tây Nam" (Biographies of the Southern and the Southwestern Barbarians)); các học giả Trung Quốc gọi họ là người Lạc Việt, họ được cho là sử dụng cùng một ngôn ngữ.

Ngược lại, những quan điểm phản bác cho rằng:

  • Tần Thủy Hoàng cũng là người Trung Hoa, do đó việc ông ta cho quân thôn tính các nước, thống nhất Trung Hoa chỉ là chuyện nội bộ của dân tộc này. Trong khi đó, Triệu Đà được sử sách ghi rõ là người Trung Hoa chứ không phải là người thuộc các bộ tộc Bách Việt, đối với ông ta thì các bộ lạc Bách Việt chỉ là "Nam Man" (cách gọi chung mang ý miệt thị của người Trung Hoa với các bộ lạc Bách Việt ở phía Nam sông Trường Giang thời đó), là dân bị ông ta cai trị mà thôi. Việc Triệu Đà tấn công, hợp nhất các bộ lạc người Việt chỉ là để phục vụ tham vọng xưng Đế cát cứ của ông ta mà thôi chứ không phải vì lợi ích của các nhóm người Việt, việc dùng quan lại địa phương là người Việt cũng chỉ là phương thức "Dùng người Việt trị người Việt" để ổn định tình hình những vùng quân Triệu mới chiếm đóng.
  • Sau khi tới thủ phủ Long Xuyên nhậm chức, Triệu Đà đã xin Tần Thủy Hoàng di dân 50 vạn người (tương đương số dân Việt thời đó) từ Trung Hoa đến vùng này để đồng hóa người Việt tại đây. Như vậy, Triệu Đà thực sự muốn cải biến phong tục, tập quán của các bộ tộc Việt theo lối Trung Hoa chứ không hề muốn bảo tồn dân tộc Việt. Đặt giả định nếu nhà Triệu tồn tại lâu dài như nhà Hán thì với bộ máy quan lại, ngôn ngữ cung đình hoàn toàn phỏng theo Trung Hoa, triều đại này sẽ dần Hán hóa người Việt chứ không phải ngược lại. Người Âu Việt, Lạc Việt (tổ tiên người Việt hiện nay) khi đó sẽ bị nhà Triệu làm Hán hóa toàn bộ, giống như nhà Hán đã làm thành công với các nhóm như Mân Việt, Sơn Việt (nay là người ở các tỉnh Lưỡng Quảng, Phúc Kiến, Vân Nam, Quý Châu thuộc Trung Quốc).

Sử quan Đặng Xuân Bảng của nhà Nguyễn cũng dựa vào lập luận này để phủ định Triệu Đà là vua Việt Nam: "Triệu Đà đóng đô ở Phiên Ngung không thuộc vào đất của nước ta. Cai trị nước ta là do các viên quan lại (người phương Bắc) do Triệu Đà sai đến. Nước ta nội thuộc Triệu cũng như nội thuộc Hán, Đường, làm sao so sánh với Thục Phán mà lẫn lộn thành triều đại chính thống của nước ta được?"

Vấn đề chấp nhận triều đại ngoại tộc

Có người cho rằng quan điểm của các sử gia Việt Nam và Trung Quốc, một nước phong kiến khác tại châu Á, có sự khác nhau. Ở Trung Quốc, có nhiều triều đại, điển hình là Bắc Ngụy thời Nam Bắc triều, nhà Nguyên, nhà Thanh đều xuất thân ngoại tộc, không phải người Hán, nhưng sử sách vẫn chép như những triều đại khác của Trung Quốc, không coi là thời kỳ bị nội thuộc người Mãn Châu hay Mông Cổ. Theo học giả Lê Thành Khôi (năm 1955) thì mặc dù gốc Trung Hoa, Triệu Đà đã chịu đồng hóa với dân Nam Việt, mà ông chấp nhận các phong tục tập quán đến độ gần như quên cả quá khứ của mình.[26]

Ngược lại, những quan điểm phản bác cho rằng:

  • Bắc Ngụy, nhà Nguyên, nhà Thanh phát tích từ Nội MôngMãn Châu, ngày nay các lãnh thổ này đều đã thuộc về Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Vì lẽ đó, các dân tộc Mông Cổ, Mãn Châu cũng đã là 1 thành viên trong nước Trung Hoa hiện đại. Đối với đất nước Trung Quốc ngày nay, các dân tộc này dù là thiểu số nhưng vẫn có địa vị pháp lý và quyền công dân ngang hàng với người dân tộc Hán, do vậy triều đại của các dân tộc thiểu số này cũng phải có địa vị pháp lý ngang hàng với các triều đại của dân tộc Hán.
  • Những triều đại như Bắc Ngụy, nhà Nguyên, nhà Thanh khởi phát từ dân tộc thiểu số, nhưng về sau họ đều sử dụng tiếng Hán, dùng quan lại người Hán để trị quốc, nghi lễ tập tục trong triều đình đã Hán hóa phần lớn (thậm chí người Mãn đã Hán hóa đến mức ngày nay chỉ còn một số rất ít người già còn biết tiếng Mãn, còn lớp trẻ chỉ biết tiếng Hán). Một phần người Mông Cổ hay người Mãn ngày nay là 2 trong số 56 dân tộc anh em sinh sống trên đất nước Trung Quốc, tức là lịch sử của họ cũng có thể coi là một phần lịch sử quốc gia, do vậy việc công nhận các triều đại này cũng không có gì là bất hợp lý (Giả dụ nếu người Tày, người Nùng lập nên một triều đại cai trị Việt Nam, thì Nhà nước Việt Nam hiện nay cũng sẽ công nhận đó là một triều đại chính thống của Việt Nam, bởi người Tày, người Nùng giờ đây cũng là 1 thành viên trong 54 dân tộc anh em sinh sống trên đất nước Việt Nam).

Trong khi đó, nhà Triệu của Triệu Đà không có cả hai đặc điểm trên: Triệu Đà là người Trung Hoa, quê ở mãi tỉnh Hà Bắc (Trung Quốc), và người Việt Nam thì gần như không có ai coi người Trung Hoa là 1 dân tộc bộ phận của đất nước mình. Mặt khác, nhà Triệu dùng phần lớn quan lại là người Trung Hoa và ngôn ngữ cung đình cũng là tiếng Hoa chứ không hề "Việt hóa" (bởi quan niệm của người Trung Hoa khi đó đều coi dân tộc mình là trung tâm văn minh, còn dân Việt chỉ là đám "Man di" thấp kém). Do đó không thể công nhận nước Nam Việt giống như Trung Quốc công nhận nhà Nguyên, nhà Thanh được.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Vấn_đề_chính_thống_của_nhà_Triệu http://factsanddetails.com/southeast-asia/Vietnam/... http://mcel.pacificu.edu/as/resources/zhuang/zhuan... http://www.dunglac.org/index.php?m=module3&v=chapt... http://www.vanchuongviet.org/vietnamese/tulieu_tac... http://www.vanchuongviet.org/vietnamese/tulieu_tac... http://www.vanchuongviet.org/vietnamese/tulieu_tac... http://www.vanchuongviet.org/vietnamese/tulieu_tac... http://www.vanchuongviet.org/vietnamese/tulieu_tac... http://www.vannghesongcuulong.org/vietnamese/tulie... http://www.mofahcm.gov.vn/tintuc_sk/tulieu/nr05120...